Thời tiết mùa hè nóng ẩm là điều kiện cho các loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh tiêu chảy bùng phát và xâm nhập và cơ thể người qua thức ăn, đồ uống. Một trong những đối tượng dễ mắc và dễ rơi vào tình trạng tiêu chảy nặng là trẻ em
Một số lưu ý cho các bậc cha mẹ để phòng và xử trí kịp thời bệnh tiêu chảy khi mùa hè đang tới gần.
1/ Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Vì tác nhân gây tiêu chảy vào cơ thể theo đường ăn uống nên biện pháp phòng bệnh cơ bản nhất vẫn là thực hiện vệ sinh cá nhân, môi trường thật tốt, chọn thực phẩm an toàn, ăn chín, uống sôi, vệ sinh tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh,…
Vệ sinh cá nhân, môi trường: Nhiệt độ nắng nóng rất thuận lợi cho sự phát triển của các loại vi khuẩn, nấm mốc, ruồi, muỗi, chuột, gián, kiến... sinh sôi nảy nở nên càng dễ làm lây lan các mầm bệnh đường tiêu hóa qua thực phẩm và nước uống. Do đó cần phải vệ sinh môi trường, sử dụng nhà vệ sinh hợp lý, quản lý phân, chất thải thật tốt, vệ sinh nhà cửa thường xuyên để loại bỏ nấm mốc và các loại côn trùng có thể tiếp xúc, xâm nhập qua đồ ăn, thức uống gây bệnh. Sử dụng nguồn nước sạch cho sinh hoạt và ăn uống, rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Sử dụng, chế biến thực phẩm an toàn: Lựa chọn thực phẩm còn tươi sống tại các cơ sở có uy tín, tránh mua những thực phẩm có màu sắc quá khác biệt so với thực phẩm cùng loại. Ví dụ: rau quá xanh, thịt quá đỏ,… Hạn chế mua những thức ăn chế biến sẵn. Rau quả phải được ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch. Quả nên gọt vỏ trước khi ăn. Vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm.
Ăn chín, uống sôi: Cần thực hiện tốt nguyên tắc ăn chín, uống sôi. Đồ ăn thức uống phải đậy kỹ. Nên ăn ngay sau khi vừa nấu xong vì thức ăn càng để lâu thì càng dễ biến đổi chất và có thể bị vi khuẩn xâm nhập. Tuyệt đối không ăn thức ăn đã ôi thiu, thức ăn để lâu ngày trong tủ lạnh, hạn chế ăn thức ăn đường phố, không uống các loại nước giải khát bán dạo, không bảo đảm vệ sinh; không nên ăn rau sống, không ăn các thực phẩm chưa được nấu chín như tiết canh, thịt tái, nem chạo, nem chua, các loại gỏi,…
2/ Cần làm gì khi trẻ bị tiêu chảy
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị tiêu chảy: Đi cầu phân lỏng bất thường từ 3 lần trở lên trong vòng 24 giờ.
Nguyên tắc 1: Ưu tiên hàng đầu là bù nước và điện giải.
- Các loại dịch dùng trong tiêu chảy tại nhà :
+ Dung dịch ORS: Pha 1 gói ORS với 1 lít nước (cần phải có dụng cụ đong đo đúng)
+ Dung dịch thay thể: Chỉ sử dụng khi không có ORS vì trẻ càng nhỏ, nguy cơ mất nước và rối loạn điện giải càng cao khi sử dụng dung dịch tự pha chế tại nhà.
- Nước cháo muối : Cho 1 nắm gạo (50gr) + 1 nhúm muối (3,5gr) + 6 bát nước đun sôi cho khi hạt gạo nở tung ra (15 phút), chắt ra được 1 lít nước cháo cho uống. Nước cháo đã pha chỉ dùng trong ngày (tốt nhất dùng trong 6 giờ).
- Có thể cho uống nước sôi để nguội, nước canh, nước quả.
- Số lượng uống: Cho trẻ uống nước sau mỗi lần đi ngoài với số lượng nước như sau:
Tuổi |
Lượng ORS cho uống sau mỗi lần đi ngoài |
Lượng ORS cần cung cấp để dùng tại nhà |
< 24 tháng |
50 – 100ml |
500ml/ ngày |
2t- 10 tuổi |
100 – 200ml |
1000ml/ ngày |
10 tuổi trở lên uống cho đến khi hết khát |
2000ml/ ngày |
- Cách cho uống :
+ Trẻ < 2 tuổi, cho uống từng thìa, trẻ lớn cho uống từng ngụm một bằng cốc hoặc bằng bát.
+ Trẻ bị nôn, dừng lại đợi 5-10 phút sau lại tiếp tục cho uống.
+ Cha mẹ cần kiên trì, chịu khó cho con uống, vì chỉ có cho uống mới tránh được hậu quả nguy hiểm khi trẻ bị tiêu chảy.
Nguyên tắc 2 : Chú trọng chế độ ăn:
+ Cho trẻ ăn nhiều thức ăn giàu dinh dưỡng để phòng suy dinh dưỡng.
+ Cho bú mẹ, không ăn kiêng.
+ Khi hết tiêu chảy, cho ăn thêm ngày một bữa (ngoài các bữa chính) trong 2 tuần
Nguyên tắc 3: Khi nào cần đưa trẻ đến cơ sở y tế:
+ Trẻ đi ngoài nhiều lần, phân nhiều nước hơn
+ Khát nhiều
+ Sốt hoặc sốt cao hơn
+ Phân nhầy máu mũi
+ Nôn nhiều lần
+ Không chịu ăn.
Bs. Hồ Thị Ánh Phương - Khoa Nhi